Khi Đài Loan gặp gỡ Việt Nam


Tôi đến Đài Loan vào đầu năm 2017, và khá bất ngờ với nơi tôi ở - Trung Lịch, Đào Viên có khá đông cộng đồng người Việt đang sinh sống. Ở gần ga Trung Lịch, dù là ga trước hay ga sau thì cũng không khó để tìm các quán ăn Việt Nam hay những cửa hàng tạp hóa nhỏ bán những sản phẩm đến từ Việt Nam như bánh tráng, nước mắm, hạt điều, hạt tiêu… Có nhiều những cửa hàng giới thiệu sản phẩm bằng cả tiếng Trung và tiếng Việt hoặc ngôn ngữ của các quốc gia Đông Nam Á khác. Có lúc tôi nghĩ, ở ga Trung Lịch này không khác một Đông Nam Á thu nhỏ. Sự xuất hiện của cư dân các nước Đông Nam Á đã khiến nơi này có một sự thay đổi diện mạo nhất định.

Sau một năm đến Đài Loan, tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với những người lao động, những cô dâu Việt. Chứng kiến cuộc sống của họ, tôi càng hiểu rõ hơn việc sinh sống ở một môi trường khác biệt, một nền văn hóa khác biệt với những cản trở từ ngôn ngữ là điều không dễ dàng. 

Trong một môn học về Lịch sử ở trường, khi giáo sư biết tôi đến từ Việt Nam, thầy đứng trước lớp, khoanh tay lại rồi hỏi tôi: “Ở Việt Nam, hành động như này có phải là biểu hiện sự lễ phép không?”

Tôi ngây người chốc lát, mới nhớ ra hồi nhỏ chúng tôi vẫn được dạy là khi chào người lớn tuổi thì phải khoanh tay, cúi đầu.

“Phải ạ.” Tôi trả lời. Thầy không nói gì thêm. Tan học, bạn học mới nói với tôi rằng, ở Đài Loan hành động khoanh tay như vậy thể hiện sự khó chịu.

Tôi hơi bối rối và điều đó khiến tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn cuộc sống của người Việt Nam ở Đài Loan, về những bất đồng văn hóa họ gặp phải.

Được biết, từ những năm 70, đã có một bộ phận người Việt Nam tới Đài Loan và định cư tại đây. Theo thống kê của Cục Di dân, trước mắt người nước ngoài, tân di dân tại Đài Loan vào khoảng 1 triệu người, trong đó cộng đồng người Việt đông nhất, chiếm 20%. Tính đến thời điểm hiện tại, cộng đồng người Việt tại Đài Loan gồm: đối tượng kết hôn, lao động, học sinh và tân di dân. Lao động Việt Nam đến Đài Loan làm việc trong hai ngạch chính đó là sản xuất và phúc lợi xã hội.

Những năm gần đây, do Đài Loan có những chính sách ưu tiên, học bổng đối với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam cho nên số lượng du học sinh Việt Nam tới Đài Loan ngày càng tăng. 

Hiện nay, ngoài những đối tượng vì kết hôn nên định cư tại Đài Loan thì có rất nhiều lao động, sinh viên Việt Nam sau một thời gian làm việc, học tập và sinh sống đã chọn định cư tại đây, và trở thành cộng đồng tân di dân.

Trong hiện trạng ngày càng nhiều người nước ngoài đến Đài Loan để làm việc, học tập và sinh sống, tôi đã phỏng vấn một số đối tượng (cô dâu, lao động, học sinh, giáo viên dạy tiếng Việt), họ đều đưa ra những cảm nhận, khó khăn trong việc thích ứng môi trường mới. Trong đó, có ba điểm nổi bật: trở ngại về ngôn ngữ, môi trường sống bất đồng, sự khác biệt về văn hóa. Họ nói về việc chính họ, hoặc bạn bè, người thân của họ gặp phải sự kì thị từ người bản địa. Sự khó khăn của những đứa trẻ tân di dân khi đến trường.

Chúng ta đều biết rằng, tiếng Trung là một trong những ngôn ngữ khó nhất trên thế giới, bởi vậy việc học tiếng Trung với người nước ngoài là trở ngại lớn nhất. Sự bất đồng trong ngôn ngữ dẫn đến việc không thể giao tiếp và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, thậm chí còn gây ra những bất đồng.

Mặc dù Đài Loan đưa ra chính sách Hướng về phía Nam, bắt đầu chọn tiếng Việt là ngoại ngữ thứ hai đưa vào giảng dạy từ bậc tiểu học, tuy nhiên vẫn chưa có quy định cụ thể về chất lượng giáo viên giảng dạy cũng như việc khảo thí trình độ tiếng Việt. Khi biết tôi đến từ Việt Nam, 10 người Đài Loan thì cả 10 người hỏi tôi rằng: “Bạn đến từ phía Bắc hay phía Nam Việt Nam?” 

Thực ra, Việt Nam không chia Nam - Bắc như bán đảo Triều Tiên. Việt Nam là một đất nước có nền văn hóa phong phú và đa dạng. Việt Nam có 63 tỉnh, được chia làm 3 miền chính: Bắc - Trung - Nam; và có 54 dân tộc, mỗi tỉnh lại có thói quen, phong tục, tập quán khác nhau. Và việc đến Đài Loan sinh sống, nơi có môi trường sống khác biệt khiến bất cứ người nhập cư nào cũng sẽ cần một khoảng thời gian để có thể thích nghi với cuộc sống mới.

Trở lại câu chuyện với giáo sư môn Lịch sử, đến buổi học cuối cùng, thầy mới nhắc lại câu hỏi trong tiết học đầu tiên. Đó là một câu chuyện thương tâm thầy nghe được, về một cô dâu Việt khi làm sai, bị mẹ chồng mắng, cô đã khoanh tay xin lỗi. Nhưng mẹ chồng cho rằng cô không lễ phép nên càng trách mắng nhiều hơn. Đó chỉ là một những câu chuyện khiến người ta chua xót bởi sự bất đồng về văn hóa.

Ở góc nhìn của mình, tôi thấy chính sách Hướng Nam, mang đến nhiều cơ hội và thách thức, bởi việc mỗi người nước ngoài đến Đài Loan đều đã ít nhiều chuẩn bị tâm lý để thích nghi với một cuộc sống mới, nhưng đối với những cư dân Đài Loan lại chưa thực sự được chuẩn bị cho sự thích ứng với những bất đồng. Sự gia nhập một số lượng cư dân mới tại Đài Loan (không chỉ người Việt) khiến người Đài Loan bản địa cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định trong việc thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Sự khác biệt quá lượng dễ gây đến việc shock văn hóa và có những cái nhìn phiến diện và không thực sự khách quan về cộng đồng người di dân. Và có lẽ sự quảng bá, truyền thông về con người, văn hóa nước bạn là điều Chính phủ cần làm tốt hơn để giữa một cộng đồng đa dân tộc, đa văn hóa chúng ta có thể hiểu và tôn trọng lẫn nhau hơn.

Trở về

You May Also Like

Học tiếng Trung thế nào mới hiệu quả?

Học tiếng Trung thế nào mới hiệu quả?

Khoảng cách giữa chúng ta và phương pháp giáo dục bằng tình yêu

Khoảng cách giữa chúng ta và phương pháp giáo dục bằng tình yêu

Viết về những cô dâu được "mua" về Đài Loan

Viết về những cô dâu được "mua" về Đài Loan

Vì sao người tôi thích, đều đã có người yêu?

Vì sao người tôi thích, đều đã có người yêu?

Tam hợp viện, Tứ hợp viện:  Nét văn hóa kiến trúc truyền thống của người Đài Loan

Tam hợp viện, Tứ hợp viện: Nét văn hóa kiến trúc truyền thống của người Đài Loan

Đàn ông chân chính không bao giờ than phiền về phụ nữ!

Đàn ông chân chính không bao giờ than phiền về phụ nữ!

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho - Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho - Chuyện cổ tích dành cho người lớn

Con cái - là bảo hiểm trọn đời - một quan niệm đáng sợ

Con cái - là bảo hiểm trọn đời - một quan niệm đáng sợ