[Ẩm thực Đài Loan] Bánh nếp thảo tử, bánh khúc phiên bản Đài Loan


Bánh nếp thảo tử là một món điểm tâm bằng gạo nếp, màu xanh của bánh là màu tự nhiên được tạo từ nước ép của lá ngải cứu hoặc rau khúc. Bánh nếp thảo tử truyền thống chủ yếu được sử dụng trong Tết Thanh Minh và Lễ Trùng Dương như một món trong lễ cúng để tưởng nhớ tổ tiên.
 Thời Xuân Thu và Chiến Quốc, để tưởng nhớ Giới Tử Thôi, Tấn Văn Công đã ra lệnh chọn ngày 3/3 (Âm lịch) làm ngày Lễ Hàn Thực, các hộ gia đình không được dùng lửa và chỉ được ăn đồ ăn lạnh. Lễ Hàn Thực được chọn là ngày thứ 105 sau ngày Đông Chí, gần Tết Thanh Minh. Theo thời gian, người dân kết hợp các phong tục của hai lễ hội này và người ta cũng ăn thức ăn lạnh vào Tết Thanh Minh. Do bánh nếp Thảo Tử chỉ cần bọc nhân bánh đã luộc trước với bột, có thể để trong vài ngày sau khi hấp nên nó trở thành món quà vặt tiêu biểu của Tết Thanh Minh. 


 

Về sau, bánh nếp thảo tử dần trở thành lễ vật dâng cúng tổ tiên. Ví dụ như người Khách Gia theo truyền thống dùng cây thảo tử để làm lễ quét mộ cho những ngôi mộ mới, vì vậy, thảo tử còn được gọi là “quả mộ”. Cho đến nay, bánh nếp thảo tử không chỉ là món ăn dùng để thờ cúng tổ tiên nữa mà trở thành món ăn thường ngày của người dân.


Nguyên liệu làm bánh nếp thảo tử: Ngải cứu, rau khúc
Vỏ ngoài của bánh nếp thảo tử được thêm nước ép từ ngải cứu hoặc rau khúc để có mùi thơm nhẹ khác với các loại bánh nếp thông thường. Ngải cứu thuộc họ Cúc và chủ yếu được sử dụng làm thảo dược. Người ta cắt nhỏ lá và trộn chúng lại với nhau đến khi dậy mùi thơm. Ngải mang ý nghĩa trừ tà, phù hộ,  do vậy bánh nếp thảo tử có thêm ý nghĩa phúc khí, phù hộ độ trì.
Rau khúc cũng thuộc họ ngải cứu, chủ yếu mọc trong tự nhiên, trước và sau Tết Thanh Minh là thời gian không khí độ ẩm phù hợp để sinh trưởng. Rau khúc thường được sử dụng để tăng màu sắc và hương vị của bánh nếp thảo tử. Cũng có thể  kết hợp ngải cứu và rau khúc với nhau để làm bánh.


 

Bánh nếp thảo tử đặc biệt phổ biến ở các khu vực như Cửu Phần và nơi sinh sống của người Khách Gia. Có một chút khác biệt về tên gọi giữa miền Nam (tiếng Phúc Kiến) và người Khách Gia. Hầu hết các phương pháp truyền thống sử dụng rau khúc, trong khi người Khách Gia thì dùng ngải cứu là nguyên liệu chủ yếu.

 

Bánh nếp thảo tử có nhiều nét tương đồng với xôi khúc của Việt Nam, ở cách dùng nước được giã từ rau khúc để trộn với bột làm bánh. Có một điểm khác biệt nho nhỏ là xôi khúc ở Việt Nam chỉ có loại nhân mặn, thì ở Đài Loan, bánh nếp thảo tử có cả loại nhân vị mặn và vị ngọt như nhân thịt lợn, đậu xanh mặn, củ cải, đậu đỏ, lạc, khoai môn…

Ngày nay, bánh nếp thảo tử đã trở thành một món ăn vặt phổ thông, đặc biệt nhiều cửa hàng trong phố cổ Cửu Phần đều bày bán, nếu có dịp đến Cửu Phần, đừng quên nếm thử món bánh giống bánh khúc mà không phải là bánh khúc này nhé. 
 

Trở về